Bài viết dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn cách làm bánh đúc mặn và bánh đúc lá dứa cực ngon để bạn trổ tài cho cả gia đình vào dịp cuối tuần này nhé.
Nguyên liệu cần có để làm bánh đúc
Phần vỏ bánh
Đối với cả hai loại bánh đúc mặn và bánh đúc lá dứa thì nguyên liệu để làm phần vỏ bánh mà bạn cần chuẩn bị bao gồm:
- Bột gạo (khoảng 300 gram – 3 lạng)
- Bột năng (khoảng 50 gram – 0,5 lạng)
- Nước lọc để hoà bột, nước cốt dừa để giúp bánh được dậy mùi thơm
Phần nhân bánh
Phần nhân đối với bánh đúc lá dứa
- Lá dứa tươi, sạch: 1 bó nhỏ (khoảng từ 1 – 2 lạng lá)
- Gừng tươi, muối sạch, vừng rang chín
Phần nhân đối với bánh đúc mặn
- Tôm tươi (khoảng 200 gram – 2 lạng)
- Thịt nạc vai (khoảng 100 gram – 1 lạng)
- Nấm hương, cà rốt, hành tây, các loại gia vị cần thiết
Cách làm bánh đúc mặn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bạn rửa sạch phần cà rốt, hành tây sau đó xắt nhỏ thành hình hạt lựu. Nấm hương ngâm cho mềm, sau đó rửa sạch, cắt chân và thái chỉ nhỏ. Và tôm rửa sạch, bóc vỏ, rút bỏ phần chỉ đen ở sống lưng. Thịt nạc rửa sạch băm nhỏ.
Bột gạo, bột năng đổ vào một chiếc tô sạch. Tiếp đến bạn cho nước lọc quấy nhuyễn và có cảm giác hơi sệt, sau đó tiếp tục đổ phần nước dừa vào quấy đều cho tới khi cảm thấy bột mịn, mềm là được. Lưu ý bạn cần phải quấy đều để tránh bột bì vón cục sẽ không ngon. Sau khi quấy xong, bạn nêm 1 chút muối, bột ngọt vào cho có vị và để ủ bột trong khoảng 20 phút.
Bước 2: Làm nhân bánh
Phi thơm hành mỡ, sau đó bạn cho phần nấm hương vào xào thơm. Tiếp đó bạn trút lần lượt phần tôm, thịt nạc, cà rốt vào xào chín. Khi phần nhân gần được thì bạn cho nốt phần hành tây vào đảo đều sau đó tắt bếp.
Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi trút phần nhân ra bát hoặc để trong nồi cho tới khi ăn bánh.
Bước 3: Hấp bánh
Cho phần bột bánh đã ủ trước đó vào hấp cách thuỷ. Lưu ý là khi hấp, bạn đổ từng lớp bột vừa phải vào hấp, hấp cho tới khi chín thì đổ tiếp lớp tiếp theo vào. Làm lần lượt cho tới khi hết bột hoặc bạn cảm thấy lớp bột đủ dày để nhấc ra và tạo một khuôn bánh mới.
Sau khi hấp chín bánh, bạn bỏ bánh ra đĩa, cắt thành từng miếng vừa ăn và trải đều phần nhân đã chuẩn bị. Bánh đúc mặn có thể được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt hoặc tương ớt tuỳ ý.
Cách làm bánh đúc lá dứa
Bước 1: Làm nước cốt lá dứa
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc sau đó cho vào xay nhuyễn với nước. Sau khi xay xong bạn lọc kỹ để lấy phần nước cốt. Tiếp đó, bạn cho phần nước cốt dừa đã chuẩn bị vào hoà lẫn với phần nước cốt lá dứa cùng một chút muối, đường.
Bước 2: Làm bột bánh
Cho phần bột gạo, bột năng đã chuẩn bị vào một tô hoặc nồi có dung tích phù hợp. Bạn nên cho vào nồi vì sau đó chúng ta sẽ đun hỗn hợp trực tiếp. Tiếp đó bạn cho phần nước lá dứa và nước cốt dừa đã hoà lẫn trước đó vào khuấy đều cho đến khi bột mịn. Ủ bột trong khoảng 30 phút.
Sau khi đã ủ bột, bạn cho bột lên bếp và đun nhỏ lửa cho đến khi sôi. Khuấy đều tay để đảm bảo bột không bị khê khoảng 2 – 3 phút rồi tắt bếp.
Bước 3: Hấp bánh
Cho phần bột đã đun sôi vào hấp cách thuỷ. Lưu ý bạn không nên hấp với lớp bột quá dày vì sẽ lâu chín và khó ăn, khó lấy ra khi hấp. Sau khi hấp bánh chín, bạn lấy ra đĩa, để nguội và sau đó có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để bánh được giòn và dẻo hơn.
Bánh đúc lá dứa thường được ăn kèm với nước đường gừng.
Trên đây là cách làm bánh đúc với hai loại bánh phổ biến là bánh đúc mặn và bánh đúc lá dứa. Chúc các bạn thành công với công thức làm món bánh đúc tại nhà này nhé!