Mùa hè trời nắng nóng, thật không có gì ngon lành hơn một bát canh mồng tơi ăn kèm vài quả cà. Chỉ cần như vậy là đánh bay vài bát cơm mà chẳng cần cao lương mĩ vị.
Rau mồng tơi là loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, rất tốt cho hệ tiêu hóa. Chất nhày trong rau giúp kích thích nhu động ruột và nhuận tràng.
Tuy nhiên,khi ăn rau mồng tơi, cũng cần lưu ý một số điều sau để không gây tác dụng ngược.
Không nên ăn quá nhiều rau mồng tơi
Rau mồng tơi có chứa nhiều axit oxalic. Chất này có thể làm giảm sự hấp thụ canxi và sắt của cơ thể. Nếu ăn nhiều rau mồng tơi quá thì có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và sắt. Lâu dài, cơ thể sẽ bị thiếu 2 chất này, gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, trong rau mồng tơi còn có hàm lượng purin cao. Hợp chất này khi đi vào cơ thể có khả năng chuyển hóa thành axit uric. Từ đó làm tăng nguy cơ sỏi thận. Không chỉ thế, axit oxalic trong rau mồng tơi khi kết hợp với canxi trong rau còn có thể tạo thành canxi oxalate.
Chất này nếu không được bài tiết ra ngoài thì có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì thế, bạn không nên ăn quá nhiều rau mồng tơi.
Ngoài ra, rau mồng tơi còn có hàm lượng chất xơ phong phú. Vì thế nếu bạn ăn nhiều thì có thể tác dụng ngược, khiến dạ dày bị khó chịu, có thể khiến bệnh táo bón nặng thêm. Do đó, nếu dạ dày không tốt thì đừng ăn hoặc chỉ nên ăn với lượng nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn chỉ nên ăn rau mồng tới 2 – 3 lần/tuần.
Không ăn rau mồng tơi khi mới lấy cao răng xong
Vì rau mồng tơi có chứa axit oxalic không bị nước hòa tan mà có thể bám lại ở răng. Nó có thể khiến răng bị ố, xỉn màu, tạo ra các mảng bám. Vì thế, nếu mới lấy cao răng xong thì bạn cần chờ từ 1 – 2 tuần mới ăn.
Không nên ăn rau mồng tơi sống
Mồng tơi có tính hàn nên nó có thể gây đầy bụng, khó tiêu nếu ăn sống. Hơn nữa, việc nấu chín mồng tơi sẽ khiến cơ thể hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng. Do đó, dù có thích cỡ nào thì bạn cũng không nên ăn sống loại rau này nhé.
Không ăn rau mồng tơi để qua đêm
Tất cả các loại rau xanh đều không nên để qua đêm, mồng tơi cũng vậy. Hàm lượng nitrat dồi dào trong mồng tơi có thể bị phân hủy và tạo thành nitrite.
Chất này khi đi vào dạ dày sẽ tiếp tục bị tác động và chuyển hóa thành nitrosamine. Hợp chất này đã được chứng minh là có thể gây ung thư thực quản, dạ dày và các bệnh ở hệ tiêu hóa.
Do đó, nếu có lỡ nấu thừa thì bạn cũng đừng tiết kiệm một chút mà để dành tới hôm sau, hại sức khỏe lắm.
Không ăn chung mồng tơi với thịt bò
Thịt bò và mồng tơi được xếp vào danh sách những thực phẩm ‘kỵ’ nhau. Vì khi ăn chung, thịt bò có thể làm mất đi tính nhuận tràng của mồng tơi. Người bị táo bón mà ăn thịt bò với mồng tơi thì còn có thể khiến bệnh tình nặng thêm.
Không ăn khi đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng
Rau mồng tơi có thể giải nhiệt ngày hè. Đồng thời, mồng tơi còn có thể thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đang đại tiện ra phân lỏng hoặc bị tiêu chảy mà ăn rau mồng tơi thì chất nhầy sẽ tác động tới đường ruột và khiến bệnh nặng thêm.
Không chọn đúng rau mồng tơi sạch để ăn
Ngày nay, để tăng sản lượng, lá mồng tơi to, đẹp mắt thì nhiều người chọn cách sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì chất hóa học này tích lại trong cơ thể và có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.
Vì thế, khi chọn rau mồng tơi, chị em nên chọn loại rau an toàn, có màu xanh hơi vàng, không xanh mướt, xanh đậm. Lá mồng tơi có phiến ngắn, dày, phát triển cân đối với thân. Thân rau giòn, rắn chắc, không bóng mượt bất thường.
Canh mồng tơi nấu ngao
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: 700g ngao, 1 bó rau mồng tơi, gừng, muối… và các dụng cụ nấu bếp.
- Bước 1: Ngâm ngao vào thau nước sạch, đập dập vài quả ớt đỏ bỏ vào ngâm cùng. Cách này giúp ngao nhả cát nhanh hơn. Sau khoảng 1 – 2 tiếng, đem ngao rửa sạch nhiều lần.
- Bước 2: Nhặt sạch rau mồng tơi, chỉ lấy phần lá và cọng mềm, những lá to thì cắt đôi. Rửa sạch rau mồng tơi và để ráo. Vì rau mồng tơi mềm, nhớp, dễ bị dập nên bạn rửa nhẹ nhàng thôi nhé.
- Bước 3: Cho ngao đã rửa sạch vào nồi, cho thêm gừng thái lát mỏng, cho vào nồi 1 ít nước rồi bắc lên bếp luộc. Khi thấy ngao hả miệng thì tắt bếp.
- Bước 4: Để ngao nguội một chút rồi tách ruột ngao cho vào bát, bỏ vỏ, phần nước chỉ lấy phần phía trên, phần dưới đáy thường có cát nên bỏ đi.
- Bước 5: Cho phần nước ngao lọc được vào nồi, bắc lên bếp đun sôi lại. Nếu thấy ít nước bạn có thể cho thêm nước đun sôi để nguội vào. Khi nước sôi thì cho rau mồng tơi vào, nêm nếm các loại gia vị cho vừa miệng ăn.
- Bước 6: Cho phần thịt ngao vào nồi canh, đun sôi lại rồi tắt bếp. Múc canh ra bát, cho lên trên ít tiêu xay và thưởng thức món canh khi còn nóng.
Canh rau mồng tơi nấu thịt bằm
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: 150gr thịt bằm, 200gr rau mồng tơi, 1 củ hành tím, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê dầu ăn, 2 muỗng cà phê muối… và các dụng cụ nấu bếp.
- Bước 1: Nhặt rau mồng tơi, lấy phần lá và cọng mềm. Rửa rau nhẹ nhàng rồi để ráo nước. Với thịt heo, bạn có thể mua thịt băm sẵn hoặc mua thịt nạc về rửa sạch rồi băm nhuyễn, xay mịn. Hành tím rửa sạch, cắt mỏng.
- Bước 2: Bắc nồi lên bếp, cho vào 2 muỗng dầu ăn. Dầu sôi thì cho hành vào phi thơm rồi cho thịt băm vào xào chín.
- Bước 3: Nêm nếm 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, đảo đều. Cho vào nồi thịt xào lượng nước đun sôi vừa đủ dùng cho gia đình bạn. Nếu không có nước đun sôi cũng có thể dùng nước lạnh.
- Bước 4: Khi nước sôi, cho rau mồng tơi vào, nêm nếm lại nồi canh tùy theo khẩu vị của bạn. Tắt bếp, cho canh ra bát, rắc lên ít tiêu xay và dùng nóng cùng cơm.
Canh cua rau đay mồng tơi
- Nguyên liệu : 0.5kg cua đồng, 1 bó rau mồng tơi, 1 bó rau đay, 1 quả mướp hương, Các loại gia vị cần thiết khác: dầu ăn, muối, hạt nêm, bột ngọt, mắm tôm…
- Bước 1: Đầu tiên, bạn rửa sạch cua đồng mua về, tách mai, lột bỏ phần yếm rồi lấy phần gạch cua ra ngoài để trong bát nhỏ. Bạn cho phần thịt cua vào cối giã hoặc xay cùng một ít muối. Sau đó, bạn hòa phần cua xay nhuyễn với nước rồi lọc qua rây lưới nhỏ để bỏ phần bã vỏ cua.
Cho cua đã được rửa sạch vào cối giã nhuyễn (Ảnh: Internet)
- BƯỚC 2: Tiếp theo, bạn nhặt bỏ lá úa vàng, gốc rễ của rau đay, mồng tơi và rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Với mướp hương, bạn gọt, rửa sạch và thái thành từng miếng vừa ăn. Sau đó, bạn thái nhỏ rau đay, mồng thơi.
Thái nhỏ rau đay, mồng tơi và mướp hương để nấu canh (Ảnh: Internet)
- BƯỚC 3: Sau đó, bạn đổ nước cua vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Bạn lưu ý, khi nước sôi nên nhanh tay điều chỉnh lửa nhỏ lại để nước cua không bị trào ra ngoài. Khi thịt cua kết tủa, bạn dùng thìa gạt sang 1 bên nồi, tiến hành nêm nếm gia vị để vừa ăn. Tùy theo ý thích cá nhân, bạn có thể cho thêm 1 thìa mắm tôm để món ăn đậm đà.
Gạt phần thịt cua sang một phần bên nồi để tiến hành nêm nếm (Ảnh: Internet)
Bạn tiến hành chưng gạch cua bằng cách cho 1 thìa dầu ăn vào chảo và bắc lên bếp, phi hành để tạo mùi thơm rồi cho gạch cua vào. Đến khi nồi canh cua vừa chín tới, bạn cho gạch vào nồi canh, đợi khi sôi đều bạn cho các loại rau vào nồi thì tắt bếp, múc canh ra tô lớn.
Đợi nồi canh sôi đều lại một lần nữa thì tắt bếp (Ảnh: Internet)
Canh mồng tơi nấu tôm
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1 bó mồng tơi, 300g tôm tươi (tôm đất hoặc tôm thẻ), 1 nhánh hành lá, dầu ăn, muối… và các dụng cụ nhà bếp.
- Bước 1: Rửa sạch tôm, bóc vỏ, bỏ đầu, đuôi tôm cùng sợi chỉ đen trên lưng tôm. Dùng cối giã dập tôm.
- Bước 2: Nhặt rau mồng tơi, bỏ cọng rau, cắt đôi những lá to rồi rửa sạch để ráo nước. Hành bóc vỏ, cắt nhỏ hoặc băm nhỏ.
- Bước 3: Bắc nồi có dầu ăn lên bếp đun sôi rồi cho hành vào phi thơm. Cho tôm vào xào chín.
- Bước 4: Cho nước với lượng vừa đủ dùng vào nồi đun sôi. Trong thời gian này, bạn nêm nếm các loại gia vị cho vừa ăn.
- Bước 5: Nước sôi thì cho rau mồng tơi vào. Dùng vá đảo nhẹ nồi canh. Rau chín, tắt bếp và múc canh ra bát, rắc tiêu xay lên trên và thưởng thức khi còn nóng.
Canh mướp mồng tơi
- Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1 quả mướp non, 2 bó nhỏ mồng tơi, 100gr tôm khô, dầu ăn, hành khô, nước mắm, mì chính, bột nêm, muối… và các dụng cụ nhà bếp.
- Bước 1: Rửa sạch tôm khô rồi ngâm với nước khoảng 10 phút để tôm mềm ra. Bạn có thể ngâm với nước ấm để tôm mềm nhanh hơn. Khi tôm mềm thì vớt ra để ráo nước.
- Bước 2: Mồng tơi nhặt lấy lá và cọng non, rửa nhẹ nhàng cho sạch rồi để ráo. Lá nào to thì cắt đôi ra. Mướp cạo sơ vỏ, rửa sạch rồi bổ đôi, thái lát vừa ăn. Hành khô bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Bước 3: Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào đun sôi thì cho hành băm vào phi thơm. Cho tôm vào xào sơ qua, đổ vào nồi khoảng 1 lít nước.
- Bước 4: Nêm nếm vào nồi canh các loại gia vị cho vừa miệng ăn rồi đậy vung lại. Khi nước sôi, cho mướp vào đun khoảng 5 phút. Tiếp tục cho mồng tơi vào.
- Bước 5: Nước sôi lại thì tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc tiêu xay lên trên và thưởng thức canh cùng cơm lúc còn nóng.
Những lưu ý khi ăn rau mồng tơi, công thức nấu canh rau mồng tơi ngon dễ làm. Với chia sẻ trên hy vọng bạn đọc có thêm cách nấu rau mồng tơi ngon nhất cũng như cách dùng sao cho tốt nhất khi chế biến món canh ngon cho cả gia đình thưởng thức nhé.